Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Thoi thóp chờ huyết thanh kháng nọc rắn

Trung bình mỗi năm, chỉ tính riêng khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây đã có khoảng 700 - 1.000 ca bị rắn độc cắn được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Từ đầu năm 2013 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 770 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó, ghi nhận có 2 ca tử vong.
Chữa cháy mà không có bình chữa lửa
Tuy số ca tử vong ít, nhưng theo bác sĩ Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - việc không có huyết thanh kịp thời cho bệnh nhân dẫn đến tình trạng điều trị kéo dài, gây nhiều biến chứng tai hại cho người bệnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng bệnh, bác sĩ Bính cho biết hiện trong khoa có 10 ca bị rắn cắn đang điều trị. Có 3 trường hợp bị cắn bởi nhóm rắn hổ và theo ghi nhận của khoa, gần đây, các ca bị rắn hổ chúa cắn lại xuất hiện hàng loạt. Thế mà, hiện nay khoa đã hết huyết thanh đa giá để điều trị cho nhóm rắn hổ này.
 - 1Bác sĩ Trần Quang Bính cho xem con rắn hổ đã cắn anh Điểu Rê được người nhà mang vào cho khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nghiên cứu. Ảnh: Đ.ANH
Do đó, trường hợp anh Điểu Rê (25 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước), bị rắn hổ cắn vào gáy, nhập viện được 1 tuần. Nhưng không có huyết thanh, nên cổ và mặt sưng rất to. Anh phải được đặt ống nội khí quản và mở phế quản để có thể thở được.
“Tốt nhất là có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu cho từng loại rắn. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ hồi phục rất nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng thiếu huyết thanh như hiện nay, còn có những loại rắn chưa có huyết thanh chữa trị. Ví dụ như rắn biển, rắn hổ mèo, sải cổ đỏ v.v… là chưa có”, bác sĩ Bính giải thích.
Ông nói tiếp: “Nếu không có huyết thanh, phải chữa triệu chứng cho bệnh nhân. Việc này giống như chữa cháy mà không có bình chữa lửa vậy. Thời gian điều trị sẽ kéo dài, vết thương dễ hoại tử. Bệnh nhân phải thở máy trong nhiều tháng. Và thở máy lâu sẽ dễ nhiễm trùng hô hấp, có thể gây tử vong”.
Trả lời vấn đề mà chúng tôi đặt ra, có ý kiến cho rằng đã có trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn tử vong tại khoa do thiếu huyết thanh đặc hiệu, bác sĩ Bính chỉ thừa nhận việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có huyết thanh. “Chưa có chuyện bệnh nhân chết do thiếu huyết thanh từ lúc tình trạng này diễn ra (khoảng từ quý 2-2013 đến nay). Hai ca tử vong tại khoa từ đầu năm đến nay, thì một ca do bị rắn sải cổ đỏ cắn, loại rắn này làm rối loạn đông máu và hiện y học chưa có huyết thanh đặc hiệu. Ca còn lại tử vong do biến chứng khác”, bác sĩ Bính khẳng định.
Ông cho biết thêm, có những ca đưa vào bệnh viện trễ, độc tính trong cơ thể quá cao thì vẫn tử vong ngay cả khi có huyết thanh đặc hiệu.
Không ai muốn kinh doanh
Bác sĩ Bính cũng khẳng định chắc chắn chuyện thiếu huyết thanh sẽ lập đi, lập lại mãi vì hiện nay trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế IVAC (Nha Trang) chỉ sản xuất được huyết thanh đơn giá, tức chỉ đặc hiệu với một loại rắn, là huyết thanh kháng rắn lục, rắn hổ đất mà thôi. IVAC chưa làm được huyết thanh đa giá kháng nhóm rắn hổ, huyết thanh kháng rắn chàm quạp, nên phải nhập từ Thái Lan.
 - 2 Bác sĩ Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - bên bệnh nhân của mình, anh Điểu Rê bị rắn hổ cắn, nhưng không có huyết thanh, nên cổ và mặt sưng to, phải được đặt ống nội khí quản và mở phế quản để có thể thở được. Ảnh: Đ.ANH
Trả lởi câu hỏi vì sao việc nhập huyết thanh lại khó khăn, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, theo luật, dược phẩm là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện. Các đơn vị phải xin quota cho từng loại thuốc muốn nhập khẩu. Và phải có số đăng ký ở Việt Nam mới được phép lưu hành.
“Bệnh viện không tự nhập thuốc được, phải thông qua một đơn vị có chức năng nhập khẩu thuốc để xin quota và mua thuốc về. Nhưng hiện nay, huyết thanh kháng nọc rắn là mặt hàng mà các hãng dược phẩm không muốn kinh doanh vì lợi nhuận không cao”, ông Bình nói.
Lợi nhuận thấp do huyết thanh không phải là mặt hàng thông dụng, chỉ các chuyên khoa tại các bệnh viện lớn có nhu cầu và giá khá đắt nên số lượng nhập cho mỗi lô hàng thường khá ít.
Dược sĩ Bình nói: “Về phía bệnh viện, vì giá cao, phải nhập ít. Hơn nữa, khó tiên liệu được trước số ca rắn cắn là bao nhiêu, còn tùy thuộc vào thời tiết từng năm và các loại rắn khác nhau cũng có tỷ lệ xuất hiện thất thường theo mùa. Cộng với hạn dùng của huyết thanh cũng chỉ từ 9 tháng đến 1 năm thôi, số thuốc hết hạn phải hủy bỏ, nên không thể nhập nhiều được”.
Trong tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải xin quota đặc biệt nhập ủy thác và làm dự trù cho một hãng dược phẩm nhập 300 lọ huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp và 200 lọ huyết thanh đa giá kháng nhóm rắn hổ từ Thái Lan để phục vụ người bệnh.
Theo ông Bình, nhiều khi “kẹt” quá, các bệnh viện phải vay mượn huyết thanh lẫn nhau. Bệnh viện Chợ Rẫy thường liên hệ với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương ở TP.HCM và Bệnh viện Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dược sĩ Bình cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu huyết thanh kéo dài này, cần có cơ chế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi về quota cho việc nhập các thuốc hiếm mà trong nước không sản xuất được. Và cách hay nhất, không gì khác hơn, chính là cần đầu tư để các đơn vị trong nước tự sản xuất để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Phần lớn bị rắn cắn do tai nạn nghề nghiệp
Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), số người bị rắn cắn xấp xỉ 1.000 ca/năm nhập viện ở đây như thế là khá nhiều. Phần lớn tai nạn xảy ra trong lúc lao động ở khu vực nông nghiệp, rừng cao su… hoặc tai nạn nghề nghiệp xảy ra cho nhân viên nhà hàng bắt rắn làm thịt, người bán rắn…
Các loại rắn có nọc độc khác nhau. Nọc độc của nhóm rắn hổ tác động đến thần kinh, nhóm rắn lục gây rối loạn đông máu. Rắn cạp nong, cạp nia tác động thần kinh, liệt cơ bắp…

Không có nhận xét nào: